ĐỪNG BAO GIỜ ĐI XIN VIỆC!
Cụm từ XIN VIỆC đã trở thành một nỗi ám ảnh đối với rất nhiều người, đặc biệt trong thời đại hiện nay rất nhiều cử nhân – kỹ sư tốt nghiệp ra trường, thậm chí với tấm bằng giỏi trong tay vẫn trong tình trạng thất nghiệp.
TỪ ĐỊNH NGHĨA CỦA TỪ XIN VIỆC TỚI CÂU CHUYỆN THAY ĐỔI TƯ DUY:
Chữ XIN trong từ xin việc đôi khi đồng nghĩa với từ xin xỏ, XIN VIỆC gắn liền với những tư duy tiêu cực. Tư duy này đã cũ, mặc dù vậy hiện nay rất nhiều người vẫn còn giữ suy nghĩ phải có quan hệ, con ông cháu cha hoặc là phải bỏ tiền ra mới xin được việc…
Hiện nay, quan hệ giữa NHÀ TUYỂN DỤNG và NHÂN VIÊN là một quan hệ cân bằng, cả hai bên đều quan hệ với nhau bằng ràng buộc về lợi ích. Nhân viên cần việc làm và công ty cần nhân lực. Đã đến lúc các bạn nên thay cụm từ trong những lá thư, đơn từ của mình từ XIN VIỆC trở thành ỨNG TUYỂN. Chỉ một chút thay đổi thôi, hãy tự nâng cao giá trị của mình trong cán cân đối trọng với nhà tuyển dụng.
Mặc dù hiện nay thất nghiệp tràn lan nhưng trên internet vẫn ngập tràn các thông tin tuyển dụng, các công ty vẫn luôn trong tình trạng thiếu nhân lực. Công ty không dễ dàng gì để một nhân viên có năng lực rời đi, một khi bạn làm được việc thì chuyện tăng lương gấp rưỡi hoặc thậm chí là gấp đôi để giữ bạn lại không phải là điều ảo tưởng. Ở công ty cũ của mình từng có một trường hợp được offer mức lương gấp đôi để ở lại.
Tôi chưa phải phải là một hình tượng về sự thành công và vẫn đang từng ngày cố gắng trau dồi kiến thức và kỹ năng, kinh nghiệm cho mình. Mặc dù vậy tôi chưa bao giờ dùng tới cụm từ xin việc. Không có việc gì khó, khó chẳng qua do mình chưa biết.
Trong bài viết này tôi xin chia sẻ những kinh nghiệm của mình với bạn đọc 4 bước để thành công trong con đường tìm và ứng tuyển việc làm:
HIỂU RÕ TIỀM NĂNG NGHỀ NGHIỆP CỦA MÌNH:
Tôi là một kỹ sư nhiệt, ngày mới ra trường tôi luôn google “tuyển kỹ sư nhiệt lạnh””kỹ sư HVAC” “kỹ sư ĐHKK”…. Có lẽ rất nhiều trong các bạn cũng đã làm tương tự. Nhưng giờ đây tôi có thể kể ra vài chục loại hình công việc mà mình có thể làm, rất nhiều số trong đó không hề có liên quan tới những cụm từ trên và đôi khi là còn không liên quan nhiều tới những gì mình đã học và điều đó cũng có nghĩa là tôi đã từng bỏ qua rất nhiều cơ hội việc làm mình có thể đạt được.
ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP VÀ TÌM HIỂU VỀ CÔNG VIỆC ĐÓ:
Sau khi đã có một bản đồ về những vị trí công việc mình có thể làm, bạn nên chọn một loại hình công việc mà mình yêu thích hoặc ít nhất cũng gần với sở thích của bạn. Để có thể thành công và đi xa trong con đường sự nghiệp, công việc của bạn cần phải nằm ở điểm giao nhau của sở thích, sở trường và chuyên môn của bạn. Có đam mê mới giúp bạn giữ lửa để tiếp tục làm việc lâu dài không mệt mỏi, từ đó phát triển sự nghiệp của mình lên tới đỉnh cao.
Công việc mà bạn mong muốn sẽ đòi hỏi bạn làm những gì? Muốn đạt được nó bạn hãy lập tức trau dồi những kiến thức chuyên môn, những kỹ năng cần thiết đó. Đừng mải chạy theo xu hướng của đám đông, hãy làm những việc cho ra kết quả rõ ràng.
LẬP DANH SÁCH CÁC CÔNG TY:
Hãy tìm hiểu và lập một danh sách các công ty có yêu cầu công việc mà bạn đã chọn. Một sinh viên trung bình khá nộp đơn ứng tuyển vào 100 công ty so với một sinh viên giỏi nộp đơn vào 10 công ty, ai là người có xác suất nhận việc cao hơn?
Đó là chưa kể tới trong danh sách đó bạn sẽ chọn lọc được những nơi có môi trường làm việc tốt hơn, đãi ngộ tốt hơn và phù hợp với tính cách của mình hơn.
CV – COVER LETTER – INTERVIEW:
Tưởng tượng CV như một bài văn, cùng một nội dung như nhau nhưng cách trình bày của mỗi người có thể khác nhau và gây ra ấn tượng đẹp hoặc xấu khác nhau trong mắt nhà tuyển dụng. Giữa hàng chục, thậm chí là hàng trăm hồ sơ tìm việc gửi về thì làm sao để chắc chắn rằng hồ sơ của bạn sẽ được nhà tuyển dụng ngó tới?
Lá thư ngỏ quan trọng từ cách đặt tiêu đề, nội dung bạn viết là gì, thậm chí các tệp đính kèm nên gửi như thế nào:
Tiêu đề thư ngỏ nên rõ ràng súc tích, ví dụ như: NGUYENXXX – KY SU NHIET – DHBK. Nội dung thư ngỏ nên trình bày những gì tốt đẹp của bạn, đừng nghĩ trong CV đã có rồi thì không viết lại, chắc gì nhà tuyển dụng đã ngó tới CV của bạn? Hãy để người đọc ấn tượng, tò mò về bạn, chưa cần xem CV họ đã nghĩ ứng viên sáng giá đây rồi.
Rất nhiều bạn gửi tệp đính kèm gồm rất nhiều files riêng biệt như các loại bằng cấp – chứng nhận – cv – đơn ứng tuyển… đôi khi chỉ vì lười ngó qua một mớ file như vậy mà người lọc hồ sơ của bạn liên nhấn next. Cũng có bạn nghĩ rằng nên đính kèm một file rar cho tiện nhưng làm như vậy có nghĩa người xem phải tải về rồi bung nén ra… theo kinh nghiệm của mình, chỉ gửi nhiều tệp trừ khi nhà tuyển dụng có yêu cầu cụ thể, nếu không bạn chỉ cần gửi duy nhất CV là đủ.
Chuẩn bị cho buổi phỏng vấn cũng vô cùng quan trọng. Tùy từng loại hình công việc khác nhau sẽ có những yêu cầu chuẩn bị khác nhau. Phỏng vấn có thể có nhiều vòng nhưng tổng kết lại chỉ gồm 2 giai đoạn là kiểm tra năng lực và thỏa thuận mức lương.
Sau cùng thì mức lương tuy quan trọng nhưng hãy xem xét tới những điều kiện khác, trước 30 tuổi chưa phải là lúc kiếm tiền, bạn nên dành khoảng thời gian này để học hỏi càng nhiều càng tốt. Có một nền tảng tốt, có thể chỉ một năm làm việc của bạn thôi sẽ giá trị bằng cả bao nhiêu năm làm việc của bạn nếu cố dấn thân đi kiếm tiền từ ngay lúc ban đầu.
Đừng bao giờ XIN VIỆC, hãy ỨNG TUYỂN vào công việc bạn mơ ước, hãy tạo ra giá trị cho chính mình vì một khi bạn hạ thấp mình thì không ai nâng bạn lên đâu.
chờ đợi khá lâu mới nhận được một bài viết của anh, hihi
Trả lờiXóa