Sức mạnh của lối mòn suy nghĩ
Tôi sinh ra ở nông thôn, thời đó ở quê tôi có rất nhiều con đường nhỏ. Người ta gọi chúng là những lối mòn.
Hằng ngày tôi vẫn đến trường trên con đường mòn đó mà chẳng biết nó có từ bao giờ hay ai đó đã tạo ra chúng. Rồi một ngày tôi không đến trường trên con đường mòn đó nữa, băng qua những những cánh đồng, những mảnh đất bỏ hoang đầy cỏ dại, tôi tìm được một con đường tắt – một con đường chưa có ai đi qua ( ít nhất là lúc đó tôi đã nghĩ như vậy ). Cũng chính con đường đó, sau đã trở thành một lối mòn nhỏ mà tôi cùng tụi bạn đến trường.
Kết thúc câu chuyện về những con đường nông thôn thời thơ ấu. Cũng như những lối mòn, trong cuộc sống có rất nhiều điều chúng ta đang làm như một thói quen mà không hề suy nghĩ. Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao mình lại làm như vậy mà không làm khác? Lý do đơn giản chỉ là ai cũng làm như vậy, sao ta phải khác. Hoặc cũng có thể bạn đã từng có câu hỏi tại sao và đã từng cố tìm ra lời giải đáp – có thể một ai đó đã giúp – cũng có thể bạn đã tự đưa ra lời giải đáp hợp lý cho mình. Nhưng liệu những câu trả lời đó có đúng không hay chỉ là mình cảm thấy nó hợp lý, chắc là đúng rồi, cứ làm theo là được.
Cứ như vậy, những lối mòn đó ăn sâu vào tư duy của bạn, đến một lúc nào đó bỗng dưng bạn cho rằng đó là việc hiển nhiên. Và rồi từ sâu trong tiềm thức bạn tự tạo ra một cái thói quen cứ dấn chân lên những lối mòn. Đường đã có rồi, ta cứ đi thôi.
Cha mẹ tôi thường đi một quãng đường dài từ nhà ra ngõ - rồi ra đường - rồi lại đi vào một cái cổng khác chỉ để sang nhà hàng xóm. Nhưng đối với tụi con nít bọn tôi thời đó thì việc đó là quá nhàm chán và xa xỉ, bọn tôi thích những con đường mới - chui qua bụi hàng rào – thế là xong.
Hồi ấy… mà cũng chẳng phải hồi ấy nữa, hiện tại bây giờ hệ thống tháp giải nhiệt vẫn dùng ống tráng kẽm. Những anh bạn người Úc của chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi biết điều đó. Tại sao mày không dùng ống thép đen? Chúng tôi đã cố để đưa ra câu trả lời theo cái cách mà mình nghĩ là hợp lý, bởi vì ai cũng làm như vậy…nào là ống tráng kẽm đặt ngoài trời không rỉ sét…Đáp lại những lý giải của tôi chỉ là một câu hỏi vô cùng đơn giản: mày lấy số liệu nào để chứng minh? Hay là mày chỉ nghĩ như thế? Lớp kẽm mạ bên ngoài có thể xước ra bất cứ lúc nào và phải sơn lại, còn ở bên trong nó lại có thể tác dụng với các hóa chất xử lý nước gây ra thêm cáu cặn….
Là một người thiết kế, thực nghiệm và sự sáng tạo đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nhưng tư duy sáng tạo của bạn sẽ dần biến mất khi cứ bước chân lên những cái lối mòn mà những thế hệ trước đã tạo ra.
Có đôi khi, mình phải tự tập quên đi những gì mình đã biết để giải quyết những gì mình đã biết và biết đâu đấy – có thể bạn sẽ tìm ra một cái gì đó hay ho.
Post a Comment